Thị trấn Tiên Kỳ là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Tiên Phước. Trải qua nhiều năm đổi mới, phát triển đến nay thị trấn đã khoát lên mình màu áo mới, cán bộ và nhân dân thị trấn đang chung tay xây dựng thị trấn Tiên Kỳ đạt chuẩn văn minh đô thị, hướng đến đô thị loại 4. Phát huy thế mạnh là trung tâm của huyện, thị trấn Tiên Kỳ bên cạnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững thì các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cũng được chú trọng. Tại không gian trưng bày thị trấn Tiên Kỳ đã giới thiệu đến quý vị lãnh đạo và du khách các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủ công mỹ nghệ, các loại trái cây Tiên Phước, các sản phẩm ocop…Đặc biệt là giới thiệu trình diễn nghề truyền thống “Làm chổi đốt” tại thôn An Tây, thị trấn Tiên Kỳ.
Không gian trưng bày được bày biện, sắp xếp, bố trí một cách hài hòa, khoa học; Từ bên ngoài đi vào, cau giống được bố trí phía trước, hai bên nhà tạo không gian mát lành. Hình ảnh này giống hình ảnh hàng chè tàu tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cây cau giống là một trong những sản phẩm nông lâm nghiệp được nhân dân thị trấn đầu tư phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay trên địa bàn thị trấn có trên 17 hộ làm vườn ươm cây giống. Thu nhập đem lại hằng năm bình quân mỗi hộ từ 120 -350 triệu đồng. Cây cau đem lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian qua, trở thành một loại cây giống chủ lực của thị trấn. Các sản phẩm nông nghiệp như các loại rau, củ, quả, trái cây sạch của Nông dân thị trấn Tiên Kỳ sản xuất và các loại bánh truyền thống được bố trí bên phía tay phải nhìn từ phía ngoài vào, qua đó chúng ta thấy được sự đa dạng cần cù, sáng tạo, chịu thương chịu khó của người nông dân thị trấn.
Hiện nay trên địa bàn thị trấn đã thành lập được 618 cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, với tổng giá trị ước đạt 832 tỷ đồng, góp phần giải quyết hơn 750 lao động. Số lượng HTX, Tổ hợp tác cũng tiếp tục gia tăng. Hiện nay toàn thị trấn có 11 HTX đang hoạt động. Trong số các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì hiện nay trầm hương trở thành một sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường; Trên địa bàn thị trấn hiện nay có 06 cơ sở sản xuất trầm hương đem lại thu nhập cao; giá trị sản phẩm trầm hương đem lại trên địa bàn thị trấn hằng năm ước tính bình quân mỗi cơ sở trên 01 tỷ đồng. Từ ngoài nhìn vào chính giữa không gian trưng bày là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như các chế tác Trầm hương, Trầm cảnh của Hợp tác xã Trầm Hương Tiên Phước đã được công nhận là sản phẩm OCOP; các sản phẩm Rượu nếp của Tổ hợp tác Linh Hoạt, rượu Lon bon của Hợp Tác Xã Nông nghiệp, chế biến tổng hợp Phước Tuyên,.. đã được công nhận sản phẩm OCOP.
Không gian trưng bày sản phẩm khởi nghiệp được bố trí phía tay trái từ ngoài nhìn vào với các mặt hàng của 10 cơ sở sản xuất; trong đó Trầm hương, Trầm cảnh vẫn chiếm vị trí chủ đạo; tiếp đến là các loại bánh, kẹo, sản phẩm chế biến từ các loại thịt đã được tiêu thụ nhiều trên thị trường như: Kẹo đậu Đức Trí, Bánh kẹo, sữa chua Chút Chút, Bánh bông lan, rau câu Mỹ Luyến, Bò khô Thành Đạt, nem, chuối chần Tân Hiệp, tinh bột nghệ, dầu dừa Miss và đặc sản tiêu Tiên Phước của Ông Huỳnh Đức Huệ thôn Phái Bắc… làm cho du khách không thể nào rời gót, điều tạo sự bất ngờ cho du khách khi vào gian hàng của thị trấn Tiên Kỳ là bắt gặp lại chiếc “bánh Hồng” được cắt tỉa tỉ mĩ, công phu dưới bàn tay khéo léo của chị Nguyễn Thị Thủy thôn Hữu Lâm; cảm xúc vỡ òa khi du khách được nhìn lại chiếc bánh kỷ niệm của các cặp uyên ương trong những thập niên 70, 80; Điều đặc biệt là các em nhỏ khi vào gian hàng cũng muốn sở hữu một chiếc “bánh Hồng” để đem về làm kỷ niệm, điều này cho ta thấy giá trị truyền thống vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi con người chúng ta dù ở bất kỳ thời đại nào.
Tại không gian trưng bày thực khách cũng được xem trình diễn Làng nghề truyền thống làm chổi đót, làng nghề xuất phát ở thôn An Tây, có truyền thống 3 đời với 07 hộ tham gia, mỗi năm sản xuất trên 5000 sản phẩm/ hộ; thu nhập 200 đến 300 triệu đồng. Chổi có hai loại chổi cán nhựa và cán đót. Đót nguyên liệu được lấy từ Trà My, để có được sản phẩm uy tín, chất lượng đem lại thương hiệu cho làng nghề truyền thống này thì việc lựa chọn nguyên liệu, cách phơi đót, cách làm chổi vô cùng quan trọng. Đót không quá già cũng không quá non. Phơi không quá khô để đảm bảo độ mềm mại, chắc của sợi đót. Cách làm chổi cũng yêu cầu sự khéo léo, kinh nghiệm của người làm chổi để khi sử dụng đót không bị tụt, sử dụng bền,…
Tại không gian trưng bày thực khách cũng được chiêm ngưỡng món ăn sáng tạo, độc đáo, đầy thẩm mỹ được chế biến từ trái chuối, loại quả rất phổ biến đối với người dân Tiên Phước nói riêng và người dân xứ Quảng nói chung “Món Bánh Chuối hấp” với sự trang trí rất bắt mắt của các chị em phụ nữ thị trấn, món bánh chuối hấp đã thu hút đông đảo du khách đến xem và chụp hình lưu niệm.
Sau hơn nữa tháng chuẩn bị và 03 ngày tham gia các hoạt động tại Hội Làng Lộc Yên năm 2023, với sự đoàn kết, nổ lực phấn đấu của tất cả cán bộ thị trấn Tiên Kỳ đã được Ban tổ chức công nhận và đánh giá cao và tặng “giải Nhì” về tham gia “Hội chợ nhà nông và trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo” giải nhì “Hội thi chế biến món ăn từ trái cây” tại Hội Làng lần này.
“Hội làng Lộc Yên - nơi hội tụ sắc màu vùng trung du xứ Quảng” với chủ đề năm 2023 là năm khởi nghiệp quốc gia; Thị trấn Tiên Kỳ tập trung hỗ trợ thúc đẩy các đơn vị có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm làm tiền đề cho việc trở thành sản phẩm ocop góp phần thúc đẩy kinh tế thị trấn ngày một phát triển bền vững xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa.